Khi đọc tờ hướng dẫn sử dụng thuốc, rất nhiều người chưa hiểu khái niệm "chống chỉ định" là gì. Đồng thời cũng thắc mắc về cách đọc các mục trên tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. Vậy để hiểu hơn thì hãy cùng mình tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Chúng ta thường thấy và nghe nói đến khái niệm "chống chỉ định" trên rất nhiều phương tiện và ngành nghề, nhất là đối với lĩnh vực y tế và việc sử dụng thuốc hoặc phương pháp điều trị bệnh. Vậy chống chỉ định là gì?
Định nghĩa của chống chỉ định là gì?
Chống chỉ định (Contraindication) là trường hợp người bệnh tuyệt đối không được thực hiện điều trị hoặc kỹ thuật y tế nào bởi tình trạng bệnh lý, tức là người bệnh không nên sử dụng thuốc, phương pháp phẫu thuật hay thủ thuật vì các biện pháp điều trị này có thể gây ra các nguy hiểm cho bệnh nhân.
Ví dụ: Một người bị rối loạn chảy máu có chống chỉ định sử dụng aspirin, vì việc điều trị bằng aspirin có thể gây ra chảy máu nghiêm trọng hơn.
Chống chỉ định được chia thành những loại nào?
Trong thực tế, chống chỉ định được phân thành hai dạng chính: Chống chỉ định tuyệt đối và chống chỉ định tương đối.
- Chống chỉ định tuyệt đối là những trường hợp mà người bệnh tuyệt đối không thể được thực hiện điều trị hoặc sử dụng một phương pháp y tế cụ thể vì tình trạng bệnh lý của họ. Ví dụ như trẻ em không nên sử dụng aspirin do thuốc này có nguy cơ gây ra hội chứng Reye.
- Chống chỉ định tương đối là nên xem xét một cách cẩn thận việc sử dụng thuốc hoặc phương pháp y tế cho người bệnh. Bác sĩ sẽ cân nhắc mức độ lợi ích so với rủi ro trước khi quyết định. Ví dụ như việc chụp X-quang cho phụ nữ mang thai là một trường hợp chống chỉ định tương đối do nguy cơ tia X ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết để chẩn đoán bệnh lý, bác sĩ có thể quyết định thực hiện để bảo đảm sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
Tìm hiểu về chống chỉ định và chỉ định khi sử dụng thuốc
Thông tin về chỉ định và chống chỉ định trong việc sử dụng thuốc thường được ghi rõ trên nhãn sản phẩm hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc. Điều 20 của Thông tư số 06/2016/TT-BYT cụ thể hóa các quy định về chỉ định và chống chỉ định được ghi trên nhãn của các loại thuốc như sau:
Chỉ định của thuốc
Chỉ định thuốc phải được xác định sao cho phù hợp với mục đích, dạng bào chế và đường dùng của từng loại thuốc. Thông tin về chỉ định cần được trình bày một cách rõ ràng, cụ thể, bao gồm các yếu tố sau:
- Mục tiêu sử dụng thuốc: Cần ghi rõ và cụ thể về việc thuốc được dùng cho mục đích phòng ngừa, chẩn đoán hay điều trị bệnh.
- Đối tượng sử dụng thuốc: Thông tin này cần chỉ rõ đối tượng được chỉ định sử dụng thuốc hoặc các giới hạn chỉ định cho từng nhóm đối tượng cụ thể (nếu có), có thể phân loại theo độ tuổi hoặc giới tính.
- Các điều kiện khác để sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả (nếu có): Ví dụ như có thể phối hợp với các loại thuốc khác hoặc phương pháp điều trị khác nhau để tăng hiệu quả hoặc giảm tác dụng phụ của thuốc trong quá trình điều trị.
Chống chỉ định của thuốc
Nếu một loại thuốc có chống chỉ định thì thông tin cần được cung cấp một cách rõ ràng về các trường hợp không được sử dụng thuốc. Đối với các trường hợp chống chỉ định ở trẻ em phải ghi rõ độ tuổi của trẻ (được tính theo tháng hoặc năm) hoặc nhóm đối tượng bệnh nhân khác phù hợp (ví dụ như theo giới tính, cân nặng) theo từng chống chỉ định của loại thuốc đó.
Cách đọc tờ hướng dẫn sử dụng thuốc
Bên cạnh "chống chỉ định" và "chỉ định" thì trên tờ hướng dẫn sử dụng thuốc cũng còn một số thông tin khác. Hãy cùng tìm hiểu và tham khảo thêm để làm theo đúng hướng dẫn theo từng loại thuốc, từ đó sử dụng thuốc hiệu quả và an toàn hơn nhé!
Thành phần của thuốc
Ghi tên các hoạt chất hay còn được gọi là dược chất, tá dược. Ví dụ như thuốc chứa biệt dược là zentel hoặc albendazol thì trong mục thành phần sẽ có ghi dược chất chính là albendazol. Đây là thuốc là thuốc trị giun sán, đồng thời sẽ còn được thêm nhiều tá dược để tạo thành thuốc viên nén.
Cách dùng và liều dùng thuốc
Mô tả cách sử dụng thuốc phải được thực hiện một cách cụ thể, bao gồm các phương pháp như ngậm dưới lưỡi, uống hoặc tiêm bắp, tĩnh mạch,... Đồng thời, thông tin về liều lượng cần ghi rõ, bao gồm liều dùng cho mỗi lần, liều trong khoảng 24 giờ (tức là một ngày) và liều dùng cho mỗi đợt điều trị. Ví dụ, một định dạng liều dùng có thể là "500mg x 3 lần/ngày, trong 10 ngày", điều này có nghĩa là mỗi lần sử dụng 500mg thuốc (thường là uống 1 viên chứa 500mg hoạt chất), dùng 3 lần mỗi ngày và tiếp tục trong khoảng thời gian 10 ngày liên tiếp.
Lưu ý - Thận trọng khi sử dụng thuốc
Trong phần "Lưu ý - Thận trọng", thông tin được ghi nhằm chỉ ra những điều cần chú ý đặc biệt khi sử dụng thuốc.
Ví dụ: Có những trường hợp khi sử dụng thuốc, cần theo dõi chức năng gan trong suốt quá trình điều trị hoặc yêu cầu việc tiêm thuốc chỉ được thực hiện qua đường tĩnh mạch chậm.
Phần này có thể được xem như là một loại "chống chỉ định tương đối", nghĩa là mặc dù không cấm hoàn toàn việc sử dụng thuốc nhưng cần phải cảnh giác và tuân thủ các hướng dẫn đề phòng.
Ví dụ: Thông tin ghi rằng "Người lái xe hoặc vận hành máy móc cần thận trọng khi sử dụng thuốc, do có thể gây buồn ngủ, mất tập trung", nhấn mạnh việc tránh sử dụng thuốc trong những tình huống này. Tương tự, khi ghi "Thận trọng khi chỉ định cho trẻ dưới 2 tuổi", nó ám chỉ việc tốt nhất là tránh sử dụng thuốc cho trẻ dưới 2 tuổi, tuy nhiên bác sĩ vẫn có thể quyết định chỉ định thuốc cho trẻ trong trường hợp cần thiết và thực hiện việc theo dõi trẻ cẩn thận hơn.
Tác dụng phụ của thuốc (tác dụng ngoại ý)
Phần này sẽ ghi ra các tác dụng phụ không mong muốn, không được mong đợi xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc. Ví dụ, một số loại thuốc dùng trong điều trị bệnh tim mạch có thể gây ra tình trạng ho khan hoặc gây thay đổi màu sắc của phân và nước tiểu, từ màu đen đến màu vàng, xanh hoặc đỏ.
Các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc đó là đau vùng thượng vị, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, nhức đầu và cảm giác chóng mặt. Tuy nhiên, thường thì những tác dụng này sẽ giảm hoặc biến mất hoàn toàn sau khi ngưng sử dụng thuốc.
Tương tác thuốc
Phần này sẽ ghi chú về việc nếu dùng thuốc cùng lúc với một số loại thuốc khác thì sẽ bị các phản ứng bất lợi. Đơn cử như nếu sử dụng thuốc aspirin chung với thuốc giảm đau hay chống viêm tương tự như nó (còn được gọi là các thuốc chống viêm không steroid) thì sẽ gây ra những tương tác thuốc, có thể gây tổn hại đến niêm mạc dạ dày.
Bài viết trên đã giải đáp thắc mắc về chống chỉ định là gì và cung cấp những thông tin hữu ích về cách đọc tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. Hy vọng rằng qua đó sẽ giúp cho bạn hiểu hơn và làm theo đúng hướng dẫn của từng loại thuốc. Nhờ vậy mà uống thuốc điều trị bệnh an toàn và hiệu quả hơn. Đừng quên theo dõi mình để khám phá thêm nhiều thông tin hữu ích về sức khỏe khác nhé.