Hiện nay, kháng sinh đóng vai trò quan trọng trong việc cứu sống những người mắc các nhiễm trùng nghiêm trọng và ngăn chặn sự lan truyền của vi khuẩn trong cơ thể. Có nhiều loại kháng sinh khác nhau, mỗi loại được sử dụng để điều trị các loại nhiễm khuẩn cụ thể. Vậy cơ chế hoạt động của kháng sinh đối với cơ thể con người như thế nào? Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn có được câu trả lời.
Kháng sinh là loại thuốc được sử dụng để điều trị nhiễm trùng bằng cách tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Các loại thuốc này hoạt động bằng cách tấn công trực tiếp vào cấu trúc bảo vệ của vi khuẩn, từ đó ngăn chặn khả năng sinh sản và sản xuất protein của chúng.
Thuốc kháng sinh là gì?
Thuốc kháng sinh được xem là loại thuốc chống nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra bằng cách tiêu diệt hoặc làm giảm sự phát triển của chúng. Ngày nay, loại thuốc này vẫn là một phần quan trọng trong công cuộc chữa trị bệnh cho con người. Có nhiều loại kháng sinh khác nhau như: Penicillin, macrolid, quinolon... Mỗi loại lại được sử dụng cho một loại bệnh do các vi khuẩn khác nhau gây ra.
Cơ chế hoạt động của kháng sinh có nhiệm vụ tấn công căn bệnh bằng cách phá hủy cấu trúc của vi khuẩn hoặc làm giảm khả năng sinh sản của chúng. Các loại kháng sinh thường được phân loại bởi các bác sĩ như sau:
- Thuốc diệt khuẩn (bactericidal) như: Penicillin, cephalosporin có khả năng tiêu diệt vi khuẩn bằng cách tấn công trực tiếp vào tế bào của chúng, gây tổn thương và ngăn chặn chúng phát triển, không thể gây bệnh trên cơ thể người.
- Thuốc kìm hãm vi khuẩn (bacteriostatic antibiotics) như: Tetracycline, erythromycin ngăn chặn quá trình tăng trưởng hoặc sinh sản của vi khuẩn. Chúng làm giảm khả năng phân chia và sinh sôi của vi khuẩn, khiến chúng không thể gây ra bệnh khi số lượng không đủ để tạo ra tổ chức bệnh lý.
Có một số loại kháng sinh phổ rộng, có thể tiêu diệt nhiều chủng vi trùng trong cơ thể, trong khi những loại khác chỉ hiệu quả với một số loại vi khuẩn cụ thể. Bằng cách sử dụng các phép thử như: Phép thử máu hoặc nước tiểu, các bác sĩ có thể đưa ra quyết định kê đơn loại thuốc kháng sinh có tác dụng chính xác nhất.
Cơ chế hoạt động của kháng sinh
Cơ chế hoạt động của kháng sinh riêng biệt ở mỗi loại, tuy nhiên chúng đều nhằm vào mục tiêu chung là tấn công và phá hủy tế bào vi khuẩn để bảo vệ cơ thể.
Tấn công cấu trúc bảo vệ vi khuẩn
Kháng sinh ức chế quá trình tổng hợp peptidoglycan (lớp vỏ bảo vệ vi khuẩn), làm cho vi khuẩn mất vỏ bảo vệ và dễ bị tiêu diệt. Ví dụ: Nhóm beta-lactamase, vancomycin…
Ngăn chặn sản xuất protein ở vi khuẩn
- Kháng sinh có thể tác động lên ribosome 70S của vi khuẩn.
- Gắn với tiểu phân 30S mục đích ngăn cản hoạt động của ARN vận chuyển (streptomycin) hoặc ức chế chức năng của ARN vận chuyển (tetracyclin).
- Gắn với tiểu phân 50S để cản trở sự liên kết và tạo ra các axit amin cần thiết cho sự sống của tế bào (erythromycin, chloramphenicol).
Ức chế tổng hợp Acid nucleic
- Tác động, ngăn cản việc sao chép ADN và tạo ra ADN con. Ví dụ: Kháng sinh nhóm quinolon có thể ức chế sản sinh ra enzyme gyrase từ đó làm cho phân tử không thể mở vòng xoắn.
- Cản trở tổng hợp ARN (rifampicin), gắn với ARN-polymerase phụ thuộc vào ADN.
- Ức chế tổng hợp các thành phần cần thiết cho sự sống của tế bào vi khuẩn (sulfamid, trimethoprim), từ đó ngăn cản sự phát triển của chúng.
Thời gian để kháng sinh có tác dụng trong cơ thể
Cơ chế hoạt động của kháng sinh bắt đầu từ khi bạn sử dụng chúng. Tuy nhiên, trong khoảng 2-3 ngày sau đó, bạn có thể không cảm nhận được sự thay đổi. Điều này phụ thuộc vào loại kháng sinh được sử dụng và loại nhiễm trùng.
Thường thì, kháng sinh nên được sử dụng trong khoảng thời gian từ 7-14 ngày. Tuy nhiên, đôi khi, liệu pháp ngắn hơn cũng có thể mang lại hiệu quả. Quyết định về thời gian điều trị và loại kháng sinh phù hợp nhất cho bạn sẽ do bác sĩ quyết định.
Mặc dù sử dụng kháng sinh có thể làm cho tình trạng bệnh của bạn cải thiện trong vài ngày đầu, nhưng bạn vẫn cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Điều này giúp ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn kháng kháng sinh, nhằm đảm bảo rằng chúng được tiêu diệt hoàn toàn trong cơ thể.
Một số tác dụng phụ của kháng sinh
Như các loại thuốc khác, thuốc kháng sinh cũng có thể gây ra các tác dụng phụ bên cạnh những hiệu quả trong việc điều trị bệnh. Trong cơ chế hoạt động của kháng sinh các tác dụng phụ thường gặp bao gồm: Tác dụng phụ về mặt vi trùng học, phản ứng dị ứng và tai biến do độc tính của thuốc.
Tác dụng phụ liên quan đến vi khuẩn trong cơ thể
- Việc sử dụng các loại kháng sinh phổ rộng, đặc biệt là dạng uống như chloramphenicol, thường gây ra rối loạn về hệ vi khuẩn trong cơ thể bệnh nhân. Các kháng sinh này tiêu diệt vi khuẩn có ích sống trong dạ dày và ruột, tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn kháng kháng sinh như: Enterobacter, tụ cầu khuẩn, trực khuẩn mủ xanh, và nấm.
- Trong trường hợp sử dụng kháng sinh dạng tiêm, chúng có thể đi qua gan và gây hại cho vi khuẩn có ích sống trong hệ tiêu hóa như: Ceftriaxone, các loại kháng sinh thuộc nhóm lincosamid. Các triệu chứng của tác dụng phụ do cơ chế tác dụng của kháng sinh có thể bao gồm: Tiêu chảy do viêm ruột hoặc viêm đại tràng màng giả do clostridium difficile, nấm candida đường ruột và thiếu hụt vitamin, đặc biệt là vitamin nhóm B và K.
Dị ứng với kháng sinh
Dị ứng với kháng sinh có thể xảy ra do mức độ mẫn cảm của một số người, không phụ thuộc vào liều lượng của thuốc. Các loại kháng sinh thường gây dị ứng bao gồm: Penicillin và sulfamid. Phản ứng có thể là nổi mẩn da, thậm chí nghiêm trọng hơn là nổi mẩn trên niêm mạc, và dị ứng có thể diễn biến từ những biểu hiện nhẹ nhàng như nổi đỏ da đến những biến chứng nghiêm trọng như hội chứng Lyell.
Tai biến do độc tính của kháng sinh
Tai biến này thường chỉ xuất hiện với một số loại kháng sinh cụ thể và phụ thuộc vào liều lượng và thời gian sử dụng. Sử dụng kháng sinh với liều cao và trong thời gian dài có thể gây ra các tai biến nặng hơn. Các tai biến bao gồm: Viêm thận, suy thận, ốc tai, nấm candida đường ruột, viêm gan, và các tai biến hệ thần kinh như co giật khi sử dụng penicillin ở liều cao. Đồng thời, sử dụng kháng sinh khi mang thai cũng có thể gây hại cho thai nhi.
Cách sử dụng kháng sinh hiệu quả
Để đạt hiệu quả tối đa, việc sử dụng kháng sinh cần phải được thực hiện đúng cách. Điều này bắt đầu từ việc đảm bảo rằng bạn thực sự cần sử dụng kháng sinh. Chỉ sử dụng kháng sinh khi được bác sĩ chỉ định.
Nên thảo luận với bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn về cách sử dụng kháng sinh một cách tối ưu nhất. Một số loại thuốc có thể cần được sử dụng cùng với thức ăn để giảm tác dụng phụ, trong khi số khác có thể cần phải sử dụng trước khi ăn.
Kháng sinh cũng cần phải được sử dụng theo số liệu và thời gian điều trị được chỉ định. Dù bạn có cảm thấy khá hơn sau vài ngày sử dụng kháng sinh, bạn vẫn nên thảo luận với bác sĩ trước nếu muốn ngừng điều trị với loại thuốc này để nhằm đảm bảo hiệu quả quá trình điều trị.
Thời gian điều trị bằng kháng sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tình trạng nhiễm khuẩn và sức đề kháng của cơ thể người bệnh. Cụ thể:
- Đối với các trường hợp nhiễm khuẩn nhẹ và trung bình, thường cần điều trị trong khoảng 7-10 ngày để đạt được kết quả.
- Tuy nhiên, đối với các trường hợp nhiễm khuẩn nặng, đặc biệt là khi nhiễm khuẩn ở những vị trí kháng sinh khó thâm nhập, thời gian điều trị có thể kéo dài hơn.
- Một số bệnh nhiễm khuẩn chỉ cần điều trị trong thời gian ngắn, chẳng hạn như tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu - sinh dục.
- Cũng có những loại thuốc kháng sinh có tác dụng điều trị kéo dài mà vẫn có thể được sử dụng trong thời gian ngắn tùy thuộc vào đặc điểm cụ thể của bệnh và tình trạng của người bệnh.
Cách hạn chế tình trạng kháng kháng sinh
Kháng kháng sinh là hiện tượng xảy ra khi vi khuẩn trở nên kháng lại hoặc không còn bị kiểm soát bởi một số loại kháng sinh. Điều này dẫn đến việc mất đi sự hiệu quả trong việc điều trị một số bệnh nhiễm trùng. Các trường hợp nghiêm trọng của kháng kháng sinh bao gồm: Nhiễm trùng do vi khuẩn Clostridium difficile (C. diff), vi khuẩn Enterococcus kháng thuốc Vancomycin (VRE)... Để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc kháng sinh có những nguyên tắc cơ bản sau đây mà bạn cần phải tuân thủ:
- Kháng sinh chỉ có tác dụng đối với vi khuẩn, không thể điều trị các bệnh do virus như: Cúm, cảm lạnh.
- Chỉ sử dụng kháng sinh khi được bác sĩ kê đơn và thực sự cần thiết.
- Dù bệnh đã được kiểm soát, không nên dừng sử dụng kháng sinh trước khi hoàn thành đúng thời gian điều trị mà bác sĩ đã chỉ định.
- Tuyệt đối không tự mua hoặc yêu cầu bác sĩ kê đơn kháng sinh nếu không có chỉ định cụ thể.
- Mỗi loại kháng sinh chỉ hiệu quả đối với một số loại vi khuẩn cụ thể, vì vậy cần sử dụng loại phù hợp với chủng vi khuẩn gây bệnh.
- Không chia sẻ kháng sinh với người khác, bao gồm cả người thân và bạn bè.
- Để dự phòng bị nhiễm khuẩn, hãy thực hiện các biện pháp như: Vệ sinh tay thường xuyên, duy trì môi trường ăn uống sạch sẽ, tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin.
Hy vọng với những thông tin trên đã giúp bạn hiểu thêm về cơ chế hoạt động của kháng sinh. Phần lớn các loại kháng sinh được sử dụng có tác dụng toàn thân và thường được sản xuất dưới dạng viên uống hoặc dung dịch tiêm truyền. Trong khi việc tiêm truyền thường chỉ được thực hiện tại các cơ sở y tế và áp dụng đặc biệt cho các bệnh nhân nặng, kháng sinh dạng viên uống thường được chỉ định sử dụng tại nhà. Trong trường hợp này, việc sử dụng kháng sinh cần phải được thực hiện một cách an toàn và hiệu quả, đặc biệt là đối với các bậc cha mẹ chăm sóc trẻ nhỏ.