Gan là cơ quan đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa và thải trừ nhiều loại thuốc ra khỏi cơ thể. Khi gan không hoạt động tốt, điều này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như tình trạng ngộ độc thuốc và gây tổn thương cho gan.
Một số loại thuốc bao gồm cả thuốc kê đơn hoặc thuốc không kê đơn có thể gây ảnh hưởng xấu đến các bộ phận trong cơ thể khi sử dụng không hợp lý. Do đó, nhiều người thắc mắc rằng liệu uống thuốc tây nhiều có hại gan không? Cùng mình tìm hiểu về những loại thuốc có thể gây hại cho gan và những biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Uống thuốc tây nhiều có hại gan không?
Chức năng của gan là gì?
Gan là cơ quan thực hiện nhiều hoạt động sống của cơ thể như thải độc, chuyển hóa và điều hòa mỡ máu, đường máu... Gan đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa nhiều loại thuốc, kết quả cuối cùng là tạo ra các hợp chất hòa tan trong nước có thể được bài tiết qua mật.
Tuy nhiên, một số loại thuốc tây lại có thể gây tổn thương gan, khiến chức năng gan suy giảm và ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc biệt, khi quá trình thải trừ thuốc ở một số người diễn ra chậm hơn bình thường, điều này có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc.
Thuốc gây hại cho gan như thế nào?
Bên cạnh tác dụng điều trị một số bệnh lý, thuốc tây vẫn tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Nhiều người dùng thuốc tây thường thắc mắc rằng liệu uống thuốc tây nhiều có hại gan không? Thuốc tây có thể gây hại đến gan bằng cách làm chết các tế bào gan (có thể là tế bào đường mật hoặc tế bào nội mô) hoặc gây ra tình trạng viêm, dẫn đến tổn thương tế bào gan kèm theo ứ mật (nếu có).
Đối với một số loại thuốc tây, tổn thương gan có thể dự đoán được khi tình trạng này xảy ra ngay sau khi dùng thuốc và liên quan đến liều lượng thuốc. Trường hợp thuốc tây gây tổn hại cho gan nguyên nhân có thể do quá liều, thời gian sử dụng kéo dài hoặc khi sử dụng chung với một số thuốc khác cũng có nguy cơ gây ra tổn thương gan. Ví dụ thường gặp đó là người bị ngộ độc khi uống quá liều Acetaminophen (hoạt chất giảm đau phổ biến với tên biệt dược quen thuộc là Paracetamol).
Đối với các loại thuốc khác, tình trạng gan bị tổn thương được phát hiện một thời gian sau khi dùng thuốc và không liên quan đến liều lượng.
Tóm lại, việc uống thuốc tây nhiều có hại gan không tùy theo từng loại thuốc mà mức độ gây tổn thương đến gan ở khác nhau như gây viêm gan, suy gan cấp hoặc viêm gan mạn tính, gan nhiễm mỡ, bệnh về đường mật. Đặc biệt đối với những người đã có bệnh nền về gan, mật càng dễ bị ngộ độc do thuốc tây hơn.
Dấu hiệu cho thấy gan bị tổn thương khi dùng thuốc tây nhiều
Gan bị tổn thương do thuốc tây thường không có biểu hiện rõ ràng và các triệu chứng có thể sẽ khác nhau ở mỗi người. Thời gian xuất hiện có thể ngay sau khi bạn bắt đầu dùng thuốc, nhưng cũng có trường hợp mất vài tháng hoặc nhiều năm mới xuất hiện hoặc có khi đã ngưng sử dụng thuốc.
Các triệu chứng của bệnh gan rất đa dạng từ những biểu hiện chung và không điển hình (như mệt mỏi, cảm giác không khỏe, buồn nôn, ngứa và chán ăn) đến nặng hơn (như vàng da, gan to, đau ở phần trên bên phải của gan, lú lẫn, mất phương hướng và không tỉnh táo). Một số dấu hiệu khác gợi ý cho tình trạng tổn thương gan như màu sắc của phân hoặc nước tiểu bất thường: Nước tiểu màu vàng đậm hoặc sẫm hơn, màu phân nhạt hơn hoặc xuất hiện các đốm máu.
Ngoài ra, mề đay, mẩn ngứa cũng là biểu hiện liên quan đến bệnh về gan. Mặc dù chưa giải thích được vì sao tổn thương gan gây ra những biểu hiện trên da. Tuy nhiên, theo các chuyên gia có thể là do khả năng giải độc của gan kém khiến các độc tố bị tích tụ trong cơ thể lâu ngày, kích thích cơ thể giải phóng các chất hóa học gây ngứa chẳng hạn như histamin.
Những triệu chứng trên đây chính là dấu hiệu cho thấy gan bị tổn hại do thuốc. Tuy nhiên, cũng sẽ có nhiều trường hợp người bệnh dùng thuốc trong thời gian dài và không có biểu hiện bất thường nào, chỉ phát hiện tình cờ khi làm xét nghiệm máu thấy có tăng men gan.
Một số loại thuốc có khả năng gây tổn thương gan
Một số loại thuốc gây ngộ độc gan không kê đơn như:
- Thuốc giảm đau, hạ sốt Acetaminophen;
- Một số thuốc giảm đau kháng viêm (NSAID) chẳng hạn như ibuprofen, diclofenac và naproxen.
Một số thuốc được kê đơn như:
- Thuốc điều trị bệnh viêm loét dạ dày Cimetidine, Omeprazole;
- Một số thuốc nhóm statin (thuốc dùng để điều trị cholesterol cao) có thể làm tăng nồng độ men gan và gây tổn thương gan. Statin không được kê đơn hoặc được kê đơn ở liều thấp hơn cho người bị xơ gan mất bù;
- Thuốc kháng sinh như Amoxicillin-Clavulanate, Erythromycin, Clindamycin, Ciprofloxacin hoặc thuốc kháng nấm Metronidazole;
- Thuốc trị viêm khớp như Azathioprine, Methotrexate;
- Thuốc trị bệnh gút Allopurinol;
- Thuốc kháng virus điều trị nhiễm HIV;
- Một số thuốc điều hòa nội tiết tố sinh dục, thuốc ngừa thai đường uống;
- Thuốc hướng thần như Chlorpromozine, Diazepam;
- Thuốc kháng viêm Corticosteroids (Prednisone);
- Thuốc gây mê Halothan, giảm đau Salicylate (Aspirin);
- Thuốc trị bệnh lao như Isoniazid, Rifampicin.
Điều trị tổn thương gan do thuốc
Cách điều trị duy nhất cho hầu hết các trường hợp tổn thương gan do dùng thuốc tây là ngừng dùng thuốc nghi ngờ gây hại cho gan. Đồng thời, kết hợp với điều trị hỗ trợ thải trừ thuốc nhanh nhất có thể và xây dựng chế độ ăn uống hợp lý để phục hồi chức năng gan. Tuy nhiên, trường hợp ngộ độc Acetaminophen liều cao đã có thuốc giải độc đặc hiệu nên bạn cần điều trị tổn thương gan tại cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Trường hợp gan bị tổn thương rất nặng dẫn đến suy gan cấp, ảnh hưởng đến tính mạng, có thể cần đến những biện pháp điều trị phức tạp hơn như ghép gan để cứu sống người bệnh.
Hầu hết tổn thương gan do thuốc tây sẽ bắt đầu thuyên giảm trong vòng vài ngày đến vài tuần sau khi ngừng thuốc, quá trình hồi phục hoàn toàn có thể mất đến vài tháng. Trong thời gian này, bạn nên tránh bất cứ tác nhân có thể gây hại cho gan như sử dụng rượu hoặc các loại thuốc gây hại cho gan khác.
Những lưu ý để phòng ngừa gây hại cho gan khi dùng thuốc tây
Để phòng ngừa tổn thương gan do thuốc tây, người bệnh cần:
- Không được tự ý dùng quá liều thuốc khuyến cáo khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Người có tiền sử bệnh lý về gan, thận nên thông báo với bác sĩ, dược sĩ để được hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn.
- Đối với những loại thuốc có khả năng gây tổn thương gan mà đòi hỏi người bệnh phải dùng lâu dài, cần lưu ý đến những dấu hiệu nghi ngờ bị ngộ độc thuốc cũng như kiểm tra chức năng gan thường xuyên.
- Những loại thuốc có nguy cơ gây hại cho gan cần được dùng thận trọng và tham khảo trước ý kiến của bác sĩ ở đối tượng có tiền sử uống rượu thường xuyên.
- Thông báo cho bác sĩ, dược sĩ các loại thuốc bạn đang dùng bao gồm cả thuốc không kê đơn và các chế phẩm thảo dược. Điều này rất quan trọng giúp phòng tránh nguy cơ dùng một lúc quá nhiều loại thuốc gây tổn thương gan hoặc xảy ra tác dụng không mong muốn do tương tác thuốc.
Hy vọng bài viết đã giúp bạn giải đáp thắc mắc rằng "Uống thuốc tây nhiều có hại gan không?". Ngoài các loại thuốc tây, bạn cũng cần lưu ý và tìm hiểu thêm về những thực phẩm bổ sung dự định sẽ sử dụng có chứa các loại thảo mộc gây độc cho gan hay không. Điều quan trọng là hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ và tuân thủ theo liều lượng chỉ định để phòng tránh các tác dụng phụ của thuốc làm ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của gan.